Chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ không chỉ là đạo lý truyền thống của dân tộc ta mà còn là trách nhiệm, bổn phận và quyền của người con, người cháu. Đây là truyền thống tốt đẹp, nhân văn của dân tộc Việt Nam nói chung và quê hương Tân Việt nói riêng luôn được giữ gìn và phát huy qua hàng nghìn năm lịch sử. Đã thành thông lệ, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, nhiều gia đình có các cụ, các ông, các bà cao tuổi đều được các đồng chí cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, con cháu, họ hàng tổ chức mừng thọ, chúc thọ đầu năm. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 có nhiều diễn biến phức tạp nên năm nay chính quyền địa phương không tổ chức mừng thọ, chúc thọ cho các cụ cao tuổi tại nhà văn hóa; con cháu các cụ từ nhiều nơi cũng không thể về quê ăn tết và tổ chức mừng thọ, chúc thọ cho các cụ được. Thế nhưng với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Nhiều gia đình tổ chức buổi lễ mừng thọ, chúc thọ cho ông bà cũng gọn nhẹ, hạn chế tập trung đông người, nhưng không khí ấm áp của lễ mừng thọ, chúc thọ vẫn lan tỏa tới mọi nhà, thể hiện sự kính trọng với người già, hiếu nghĩa với cha mẹ, ông bà, qua đó càng làm cho không khí mùa xuân thêm ấm áp. Năm 2022 này, xã nhà có 143 cụ ở các tuổi được mừng thọ. Trong đó có 55 cụ ở tuổi 70, 21 cụ ở tuổi 75, 17 cụ ở tuổi 80, 22 cụ ở tuổi 85, có 19 cụ ở tuổi 90, và 02 cụ ở tuổi 95, có 02 cụ tròn 100 tuổi và 05 cụ trên 100 tuổi. Mừng thọ, chúc thọ đầu xuân cùng với nhiều hoạt động quan tâm chăm sóc người cao tuổi của gia đình và cộng đồng là nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, tô thắm truyền thống đạo lý nhân văn của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự tôn trọng của xã hội với người cao tuổi, tấm lòng hiếu thảo của con, cháu với ông bà, cha mẹ. Đây cũng là việc làm nhằm khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi đối với gia đình và xã hội, giúp các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước trao tặng “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”
Phạm Thị Trang