Bệnh đau mắt đỏ rất thường gặp trong
cuộc sống hàng ngày. Bệnh phát sinh vào các thời điểm trong năm nhưng mạnh nhất
là vào thời điểm giao mùa. Hiện nay bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện trong nhà
trường. Để chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ, Trạm y tế xã Tân Việt tuyên truyền về cách nhận biết triệu chứng và phòng chống bệnh
đau mắt đỏ:
1. Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ trong y khoa có tên là viêm kết mạc. bệnh xảy ra khi lòng trắng của mắt cùng với kết mạc mi bị viêm nhiễm do một nguyên nhân nào đó. Khi bị bệnh đau mắt đỏ, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu.
Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi từ trẻ em, người trưởng thành cho đến người cao tuổi.
Đau mắt đỏ xảy ra quanh năm, nó có khả năng lan rộng ra thành dịch lớn, đặc biệt là ở thời điểm từ mùa hè cho đến cuối mùa thu.
2. Triệu chứng
- Mắt đỏ, sưng và ngứa.
- Tiết nước mắt nhiều.
- Mắt nhạy sáng và khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng.
- Cảm giác cộm trong mắt.
- Có nhiều gỉ mắt
3. Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ
Bệnh có thể bị lây nhiễm do những nguyên nhân sau:
- Vô tình tiếp xúc với dịch người bệnh tiết ra khi họ giao tiếp với chúng ta hoặc khi họ ho, hắt hơi.
- Khi ta chạm tay vào những đồ dùng các nhân có dính dịch tiết của người bệnh như: Bàn chải đánh răng, khăn mặt, gối nằm, chìa khóa, tay nắm cửa, điện thoại...
- Dụi tay, đưa tay lên mắt.
- Dùng kính áp tròng không được vệ sinh.
- Dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh như: Bể bơi, ao hồ... mà trước đó có những người bị bệnh xuống tắm.
4. Cách phòng bệnh
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan cho người khác. Đặc biệt, tốc độ lây lan của bệnh đau mắt đỏ trong cộng đồng cực kỳ nhanh. Để chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ, mỗi người cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau:
1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch.
2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày cho trẻ bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.
3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của bệnh nhân.
4. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, vật dụng cá nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, kính mắt.
5. Giữ vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ.
6. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
7. Khi học sinh bị đau mắt đỏ hoặc nghi bị đau mắt đỏ, cha mẹ cần thông báo cho giáo viên chủ nhiệm, cho con nghỉ học và hạn chế tiếp xúc với học sinh khác, nơi đông người. Đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không nên tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.
Hãy cùng nhau tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ VÌ MỘT CỘNG ĐỒNG KHỎE MẠNH!